Hôm nay, 28-4, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Tạo đột phá trong quy hoạch

Năm 1992, Ninh Thuận (cùng với Bình Thuận) tách ra khỏi tỉnh Thuận Hải với nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến việc thu hút đầu tư rất khó khăn.

Thời điểm trên, Ninh Thuận là tỉnh thuần nông nhưng khí hậu khô hạn là một trở lực lớn. Xác định nhiệm vụ tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội là phải trị hạn, Ninh Thuận huy động cả hệ thống chính trị để đưa nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Từ một tỉnh khô cằn, hạ tầng thủy lợi Ninh Thuận được đầu tư theo hướng liên thông, đa mục tiêu. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 22 hồ chứa dung tích trên 520 triệu m3. Dự kiến đến năm 2025, hệ thống thủy lợi kết nối liên thông toàn tỉnh, cơ bản giải quyết vấn đề hạn hán thường niên.

Dòng nước mát được khơi thông, phủ xanh nhiều vùng hoang hóa và mở ra cơ hội phát triển cho Ninh Thuận. Trong cột mốc đánh dấu 30 năm tái lập tỉnh (năm 2022), GRDP Ninh Thuận tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 440 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỉ trọng công nghiệp và xây dựng tăng hơn 20%.

Các con số trên khẳng định Ninh Thuận đang từng bước chuyển mình ngoạn mục, góp mặt vào nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất cả nước. Và một trong những giải pháp thúc đẩy sự chuyển mình của Ninh Thuận đó chính là đầu tư phát triển hạ tầng, quy hoạch cùng nhiều chính sách đột phá trong thu hút đầu tư.

Năm 2009, với khát vọng tạo đột phá trong chiến lược, quy hoạch để đón nhận những yếu tố mới, giá trị mới, cơ hội mới, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor (Mỹ) và Arup (Anh) lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch được nghiên cứu theo phương pháp tiếp cận mới, từ năng lực cạnh tranh theo mô hình kim cương đề ra tầm nhìn chiến lược. Bản quy hoạch đề xuất định hướng phát triển dựa trên 3 khâu đột phá: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ quy hoạch này, Ninh Thuận xác định 6 nhóm ngành trụ cột, gồm: năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp, xây dựng - kinh doanh bất động sản, giáo dục - đào tạo. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đã khẳng định các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội theo quy hoạch là đúng đắn, giúp tỉnh khai thác được tiềm năng, lợi thế, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với phương pháp luận và phương pháp tiếp cận kế thừa các phương pháp luận, cách tiếp cận nghiên cứu trước đây theo mô hình kim cương nhưng có tích hợp các nguồn lực và bổ sung các lý luận mới. Điều này bảo đảm quy hoạch tỉnh Ninh Thuận vừa đáp ứng nhu cầu phát triển và phù hợp với các xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.

Các doanh nhân TP HCM tham quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Ninh ThuậnẢnh: HỢP PHỐ

Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư

Sự kiện cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông tuyến ngày 26-4 giúp việc kết nối Ninh Thuận với các cực tăng trưởng là TP HCM, Khánh Hòa gần hơn bao giờ hết.

Ninh Thuận nằm giao với 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên. Đây là vị trí giữ vai trò cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các địa phương vùng Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Ninh Thuận đang tập trung phát triển vận tải cảng biển, logistics, sân bay, hướng đến liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam, Nam Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới.

Hạ tầng dần hoàn thiện giúp Ninh Thuận có cơ sở triển khai các chính sách đột phá trong thu hút đầu tư. Theo ông Lê Huyền, địa phương áp dụng chính sách đầu tư theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất. "Ninh Thuận áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu. Toàn bộ các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất" - ông Lê Huyền nhấn mạnh.

Hạ tầng dần hoàn thiện, chính sách đầu tư cởi mở giúp Ninh Thuận từng bước thu hút các nhà đầu tư, trong đó có thị trường quan trọng là TP HCM. Trong giai đoạn 2014-2023, tỉnh cực Nam Trung Bộ này đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP HCM với tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng. Đến nay, Ninh Thuận có 45 dự án đầu tư của doanh nghiệp TP HCM, với tổng vốn 60.000 tỉ đồng. Các nhà đầu tư rót vốn khá toàn diện trên các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo và các nhà đầu tư TP HCM vào tháng 4-2023, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay địa phương còn rất nhiều dư địa phát triển và mong muốn có sự quan tâm, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp TP HCM. "Trước đây, chúng tôi không có cảng biển, đường cao tốc khiến việc thu hút lĩnh vực này rất khó. Nay các tuyến giao thông kết nối đang được hình thành từ cảng Cà Ná, các tuyến cao tốc đi ngang, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư sẽ về đây nhiều hơn" - ông Trần Quốc Nam bày tỏ.